Nét đẹp múa cổ Thăng Long

Nhắc tới làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhiều người nhớ ngay đến điệu múa bồng “có một không hai”, khi trai làng đóng giả con gái lúng liếng trong chiếc áo nhiều màu sắc, chít khăn mỏ quạ, duyên dáng theo điệu trống bồng. Trải qua thăng trầm, điệu múa cổ này vẫn được trai làng Triều Khúc gìn giữ, trở thành nét văn hóa rất riêng của người Hà Nội.

Điệu múa bồng – “đặc sản” của làng Triều Khúc.

“Đặc sản” của làng

Mỗi độ xuân về, khi Tết Nguyên đán vừa qua, dân làng Triều Khúc lại mở hội lớn để tưởng nhớ công lao của Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng), cũng là Thành hoàng làng Triều Khúc bây giờ.

Người xưa kể rằng, vào thế kỷ VIII, Phùng Hưng tập kết nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây quân nhà Đường. Để khích lệ tướng sĩ và cũng là giúp họ giải trí, ngài cho binh lính giả gái đeo trống múa bồng. Kể từ đó, hằng năm, từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội rước Thành hoàng Phùng. Làng Triều Khúc có 2 đình thờ Phùng Hưng, một là đình Sắc (thờ các sắc phong của ngài) và đình Đại. Vào dịp lễ hội, dân làng sửa soạn lễ vật, ăn vận trang nghiêm, tổ chức lễ rước từ đình Sắc đến đình Đại. Lễ rước trang trọng với nghi thức cổ truyền, trong đó có nhiều điệu múa dân gian được trình diễn như múa rồng, múa sênh tiền, múa chạy cờ, và đặc biệt là không thể thiếu điệu múa bồng.

Theo nghi thức từ xa xưa, đội múa bồng đi theo kiệu rước, vừa đi vừa múa tạo không khí tươi vui mà trang trọng. Ông Triệu Khắc Sâm (83 tuổi, từng nhiều năm phụ trách quản lý đình làng Triều Khúc) cho biết, những người múa bồng trong lễ rước được lựa chọn rất kỹ. Theo lệ, phải là thanh niên chưa vợ, khôi ngô tuấn tú, học hành giỏi giang, con nhà gia giáo. “Nam nhân vào vai nữ nhưng vẫn thể hiện được sự tôn nghiêm. Điệu múa lả lơi đấy nhưng vẫn rõ nghĩa khí, tinh thần thượng võ, đó là nét đặc trưng riêng của điệu múa bồng làng Triều Khúc. Trai giả gái lúng la lúng liếng, nhiều người gọi điệu múa bồng làng Triều Khúc với tên “Con đĩ đánh bồng”, hàm nghĩa ngợi khen chứ không có ý tục”, ông Triệu Khắc Sâm giải thích.

Lễ rước thường có 6 đến 12 người múa bồng, bắt thành từng cặp. Múa bồng thường có những động tác, như bước lễ, xoay tròn, giáp lưng, vuốt mặt…, nhìn đơn giản đấy nhưng không phải ai cũng có thể bắt chước. Người múa mất khá nhiều thời gian để học, quan trọng là thể hiện được nét phóng khoáng, mạnh mẽ nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt.

Lễ rước thường có 6 đến 12 người múa bồng, bắt thành từng cặp.

Gìn giữ di sản Thăng Long

Mỗi dịp Tết đến, người Triều Khúc lại tất bật chuẩn bị cho các sự kiện quan trọng của làng. Câu lạc bộ (CLB) múa bồng làng Triều Khúc gồm gần 30 thành viên, mỗi người mỗi việc, mỗi nơi nhưng chỉ cần đội trưởng hô “tập hợp” là tất cả có mặt tại sân đình, sẵn sàng “tô son, điểm phấn” tham gia múa bồng.

Anh Nguyễn Huy Tuyển (sinh năm 1978) hiện là đội trưởng của CLB, đã tham gia múa bồng hơn 20 năm nay. Dù công việc chở nguyên vật liệu xây dựng bận rộn đến đâu anh cũng không bỏ múa bồng. Anh kể: “CLB do nghệ nhân Triệu Đình Hồng thành lập từ năm 1985. Nhận thấy điệu múa cổ có nguy cơ thất truyền, ông Hồng vận động bà con phục hồi. Ông hướng dẫn chúng tôi cách đưa tay ra sao, bước chân thế nào, ánh mắt từng người trong mỗi cặp làm sao phải ra cái thần “Con đĩ đánh bồng”… Ngày mới biểu diễn trước dân làng, chúng tôi rất xấu hổ, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi ông Hồng động viên rằng cần phải giữ hồn cốt truyền thống, thế là chúng tôi cố gắng. Giờ thì không ngại nữa, ai cũng thấy vinh dự khi được chọn biểu diễn trước dân làng mình”.

“Bắt cặp” với Nguyễn Huy Tuyển là anh Bùi Văn Đạt, người cũng có thâm niên múa bồng 20 năm. Anh Đạt kể, người truyền cảm hứng múa bồng cho anh là ông nội. “Ông tôi có tên trong đội múa bồng ngày xưa của làng. Từ bé tôi đã xem ông múa và được ông truyền dạy. Sau này, tôi được nghệ nhân Triệu Đình Hồng tuyển vào CLB và dạy bảo thêm” – anh Đạt chia sẻ.

Trong đội múa bồng mỗi người kiêm nhiệm nhiều phần việc khác nhau. Những thành viên chủ chốt, nhiều kinh nghiệm như anh Tuyển, anh Đạt còn phải lo khâu hậu cần. Anh Đạt đảm nhiệm phần trang điểm cho cả đội. “Trước kia mọi người tự tô vẽ nhưng chỉ qua loa thôi, chủ yếu mượn son phấn của mẹ, chị, em gái. Giờ thì CLB biểu diễn thường xuyên nên chúng tôi có đồ nghề trang điểm và biết cách tự trang điểm thật đẹp” – anh Đạt cho hay.

Chị Triệu Thị Vân Ánh, cán bộ văn hóa xã Tân Triều cho biết: Từ năm 2010 xã Tân Triều đã cùng Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng tổ chức lớp học múa bồng tại Trường THCS Tân Triều. Mỗi lớp kéo dài 2 – 3 tháng, mỗi tuần 2 buổi. Những học sinh có kỹ năng được chọn vào CLB để biểu diễn trong các sự kiện của làng. Năm 2015, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chính thức công nhận CLB do nghệ nhân Triệu Đình Hồng làm Chủ nhiệm, đồng thời bảo trợ về chuyên môn cho CLB. Múa bồng Triều Khúc vì thế đã được bảo tồn, phát triển và trở thành một trong 10 điệu múa cổ Thăng Long được duy trì thường xuyên trong đời sống đương đại. Không chỉ biểu diễn trong hội làng, múa bồng Triều Khúc được tham gia nhiều sự kiện, lễ hội quảng bá văn hóa, du lịch Thủ đô. Đội múa bồng Triều Khúc còn được mời biểu diễn giao lưu tại Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Giữa năm 2020, Nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng qua đời vì bệnh hiểm nghèo, đó là tổn thất lớn của múa bồng Triều Khúc. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đỗ Vân Long cho biết, mặc dù các nghệ nhân của làng không còn nhưng CLB và các lớp học múa bồng trong nhà trường vẫn được duy trì, do những người múa bồng có kinh nghiệm truyền dạy.

Hiện nay, anh Nguyễn Huy Tuyển và anh Bùi Văn Đạt là hai trong số những thành viên cốt cán trong CLB tham gia trực tiếp vào việc “giữ lửa” múa bồng cho lớp trẻ. “Dù bận rộn nhưng chúng tôi đều ý thức được nghĩa vụ bảo vệ văn hóa truyền thống, bởi đó là gốc rễ cội nguồn. Điệu múa bồng là di sản thiêng liêng của người Triều Khúc, chúng tôi sẽ cố gắng truyền dạy cho thế hệ sau, như cách mà ông cha đã truyền lửa cho chúng tôi”, anh Tuyển bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *