Tinh xảo nét trạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mạc

Hương Mạc là một phường thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hương Mạc giáp các huyện Đông Anh (Hà Nội), Yên Phong (Bắc Ninh) và giáp các phường Phù Khê và Đồng Kỵ (Từ Sơn) và Hương Mạc gồm 6 thôn là: Hương Mạc (Me); Mai Động; Kim Thiều; Kim Bảng; Đồng Hương; Vĩnh Thọ.

Về thăm miền quê Kinh Bắc, dường như mỗi bước chân của du khách đều chạm vào dấu ấn của văn hoá và lịch sử. Nhắc tới Bắc Ninh là nhắc tới vùng quê có nền văn hiến lâu đời, với những di tích lịch sử và những làng nghề truyền thống. Một trong số đó, không thể không nhắc tới nghề mộc lâu đời tại làng Hương Mạc – Từ Sơn, Bắc Ninh. Nghề chạm khắc gỗ ở Hương Mạc có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ghi chép lại. Theo truyền khẩu của người dân trong làng, ngay từ thời Lý, nghề chạm khắc gỗ nơi đây đã rất phát triển, nhiều nghệ nhân, người thợ giỏi của Hương Mạc đã được lựa chọn để vào kinh thành chế tác các loại đồ gỗ ngự dụng.

 

Theo truyền khẩu của người dân trong làng, ngay từ thời vua Lý Nhân Tông (1072 -1128) khi đi xem xét phòng tuyến Như Nguyệt (trên dòng sông Cầu) chống giặc Tống. Vua nghe tiếng làng Mạc có nghề chạm gỗ bèn kén thợ để chế tác các loại đồ gỗ ngự dụng. Thế rồi nghệ nhân ở làng Mạc nhận mẫu chạm khắc rồi kết hợp với các nhóm thợ khảm trai làng Chuôn (Hà Tây) do ông tổ là Trương Công Thành truyền nghề khảm trai. Nhiều đồ gỗ như tủ, sập, câu đối, ghế…đã khảm trai trước khi tiến cung. Nghề chạm khảm của làng Mạc từ ấy đã được nhân rộng, nhiều người biết đến và được đánh giá cao.

Nghề truyền thống ở Hương Mạc nhanh chóng nhân rộng sang các làng bên là Làng Thượng, Làng Đông (Phù Khê), Làng Ông (Vân Hà), Làng Đồng Kỵ (Đồng Quang). Sau này do lợi thế về địa điểm mua bán, người ta đã biết đến làng Đồng Kỵ nhiều hơn với các sản phẩm gỗ mỹ nghệ truyền thống, tuy nhiên những sản phẩm này vẫn còn mang nhiều dấu ấn của quê gỗ Hương Mạc do bàn tay của các nghệ nhân xưa còn truyền lại đến ngày nay.

Làng nghề mộc chạm khảm Hương Mạc

Các sản phẩm mỹ nghệ của phường Hương Mạc có giá trị cao, thu hút nhiều khách hàng trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh, buôn bán. Toàn phường hiện có khoảng 5.000 hộ, trong đó tỷ lệ hộ dân làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ chiếm từ 80 – 85%.

Có thể bạn quan tâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *